Người hàng xóm cạnh gia đình tôi đã xây tường hàng rào trên phần đất là lối đi chung của cả xóm. Bức tường rào chặn ngay trước cửa nhà, bịt mất lối đi, khiến gia đình tôi không thể ra vào, làm giảm khả năng sử dụng đất của gia đình tôi. Xin hỏi quý báo, hành vi này của người hàng xóm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính không? Thẩm quyền xử phạt (nếu có)?
Nội dung này được Thạc sĩ, Luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - quốc gia) tư vấn như sau:
- Khoản 4, Điều 3, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11-11-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (gọi tắt là Nghị định số 105/2009/NĐ-CP) có quy định: "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác là hành vi đưa vật liệu xây dựng, chất thải, chất độc hại hay các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc lên thửa đất của mình hoặc đào bới, xây tường, làm hàng rào và các hành vi khác mà hành vi này gây cản trở, làm giảm khả năng sử dụng đất của người khác hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác". Theo đó, hành vi của người hàng xóm xây tường hàng rào trên phần đất là lối đi chung của cả xóm, bức tường rào chặn ngay trước cửa ra vào, bịt lối đi của gia đình, khiến gia đình bạn không thể ra vào nhà mình… có thể được xem xét là hành vi "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác" theo quy định pháp luật.
Tại điểm b, Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác" của hộ gia đình hoặc cá nhân là: "Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng tại khu vực nông thôn; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác". Do vậy, hành vi của người hàng xóm gia đình bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) theo quy định này.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP thì ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định trên, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp sau: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi VPHC; buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm.
Áp dụng Điều 15, Nghị định 128/2008/NĐ-CP ngày 16-12-2008 của Chính phủ quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và căn cứ điểm b, Khoản 2, Điều 25, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, thì chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng. Như vậy, trong trường hợp người có hành vi xây tường, gây cản trở cho việc sử dụng đất của gia đình bạn bị xử phạt VPHC theo điểm b, Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, với mức phạt thấp nhất là từ 2 triệu đồng và mức cao nhất là đến 30 triệu đồng (tùy từng trường hợp).
Đăng nhận xét